Củ gừng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hiệu quả của nó rất tuyệt trong điều trị các chứng bệnh phổ thông. Cùng tìm hiểu nhé!
Gừng là một loại cây thân cỏ được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Trong Đông Y, rất nhiều bài thuốc dùng đến củ gừng tươi với một tên gọi khác là khương. Như vậy, củ gừng không chỉ được dùng làm gia vị mà còn được sử dụng như một loại dược liệu.
Hôm nay, mời các bạn độc giả hãy cùng Apharma tìm hiểu về những công dụng thần kỳ của loại thảo dược quen thuộc này nhé!
Giới thiệu chung về cây gừng
Tên gọi
- Tên thường gọi: Củ gừng, khương (Gừng), sinh khương (Gừng tươi), can khương (Gừng khô), Ổi khương hoặc hắc khương (Gừng đốt thành than tồn tính, bên ngoài cháy thành than nhưng bên trong vẫn vàng tươi và giữ được mùi gừng), khương bì (Vỏ gừng)
- Tên khoa học: Zingiber officinale (Willd.) Roscoe, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
- Tên theo tiếng Pháp: Le gingembre.
Đặc điểm hình dáng
Gừng là một loại cây thân cỏ sống lâu năm, thân chỉ cao chừng 50 đến 100cm, cao nhất là 150cm. Lá của cây là lá đơn, mọc so le với bẹ lá ôm sát vào nhau trên thân cây có dạng ống.
Lá gừng không có cuống, hình mũi mác, nhọn dần về phía đầu lá, mặt trên nhẵn bóng có màu xanh đậm hơn mặt bên dưới, gân lá song song có màu nhạt.
Hoa gừng mọc sát nhau và mọc ra trực tiếp từ củ chứ không phải từ thân hay ngọn cây. Mỗi cuống hoa dài khoảng 20cm, đài hoa nhỏ, dài khoảng 1cm. Hoa gừng mọc thành một chùm tạo nên một tràng dài thẳng đứng, mỗi hoa có 3 cánh, màu vàng nhạt, mép hoa màu tím. Sau khi hoa tàn thì sẽ cho ra quả, dạng quả mọng.
Rễ cây gừng phình to thành củ, trên củ có nhiều đốt, vỏ khá nhẵn, màu vàng nhạt, thân có nhiều sợi dọc. Mỗi đốt củ gừng đều chứa mầm non, khi gặp điều kiện thuận lợi, những mầm đó sẽ phát triển thành chồi. Cả cây đều có mùi thơm đặc trưng.
Khu vực phân bố
Củ Gừng mọc nhiều ở vùng nhiệt đới ẩm và cận nhiệt đới ẩm, cụ thể là ở Đông Á, Đông Nam Á. Một số nước hiện nay trồng nhiều gừng như Ấn Độ, Trung Quốc, Ô-xtrây-li-a, Việt Nam…
Cây gừng mọc được ở nhiều loại đất nhưng sẽ cho ra năng suất khác nhau. Nhìn chung, loại cây này ưa ẩm, ưa sáng, nhưng trong lúc cây còn nhỏ thì cần bóng râm, do vậy lúc trồng cần phải phủ trong thời gian đầu.
Phương pháp thu hoạch và bảo quản
Phương pháp thu hoạch
Củ gừng có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất là từ 4 đến trước 9 tháng sau khi trồng. Nếu để lâu củ sẽ bị nhiều xơ, thu hoạch sớm quá củ sẽ non, nhăn nheo khi chế biến. Không nên trồng quá một năm vì phần cây phía trên sẽ lụi tàn vào mùa đông, và phát triển lại vào mùa xuân.
Khi thu hoạch, cuốc nhẹ quanh gốc cây trong bán kính 20 đến 25cm để không làm đứt củ, rồi nhổ nhẹ để lấy cả khóm sao cho thật nguyên vẹn, tránh làm đứt gãy. Sau khi thu hoạch, rũ sạch đất thì chặt phần cây phía trên, chỉ để lại khoảng 2cm. Những củ đã bị xây xát sẽ khó bảo quản, nên lựa ra để sử dụng trước.
Phương pháp bảo quản
Củ gừng cần được bảo quản nơi khô ráo thoáng mát như các loại cây rễ củ khác. Cũng có thể cắt lát rồi phơi, sấy khô, hoặc tán bột,… tùy theo mục đích sử dụng.
Cách phân biệt chất lượng thành phẩm
- Loại 1: Củ không có xơ, không bị nhăn nheo khi để qua thời gian lâu, trọng lượng mỗi củ trên 200g, đường kính chỗ to nhất khoảng 4cm.
- Loại 2: Củ không có xơ cũng không bị nhăn nheo, trọng lượng dưới 200g, chỗ to nhất có đường kính nhỏ hơn 4cm.
- Hàng kém chất lượng: Dược liệu có một trong những dấu hiệu sau: bị nhăn nheo khi để qua một thời gian ngắn (Củ non), nhiều xơ (Củ già), bị sâu mọt, củ đã lên chồi thì cũng không nên dùng làm dược liệu.
Công dụng của củ gừng
Gừng được dùng như một loại gia vị dùng để ăn chung với nhiều món có tính hàn như ốc, trứng vịt lộn,… hoặc thêm vào trong một số món ăn để tạo vị thơm. Ngoài công dụng làm gia vị thì gừng còn có khá nhiều công dụng khác như làm mứt gừng, làm trà gừng, nấu nước để uống (Nước gừng), gừng muối (Củ gừng hồng),… Trong đó gừng hồng là một món dưa muối không thể thiếu khi ăn Sushi, góp phần tạo nên nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Và trong y học cổ truyền, gừng được sử dụng như một loại dược liệu với nhiều tên gọi khác nhau như: Sinh khương (Gừng tươi), can khương (Gừng khô),… Ngoài loại gừng có màu vàng mà mọi người hay sử dụng, còn có gừng đen – một giống gừng quý hiếm chỉ có tại Việt Nam.
Củ gừng đen có bề ngoài giống hệt gừng vàng nhưng bên trong lại có màu tím đen. Loại gừng này cũng có rất nhiều công dụng tuyệt vời như: Trị thương, loại bỏ mủ và máu độc, kiểm soát mỡ máu, phòng khí độc cho phụ nữ sau sinh, giảm viêm, giảm nguy cơ sỏi thận, tăng sức đề kháng,… Khi mới được phát hiện, giống gừng quý hiếm này được nhân giống tại vườn quốc gia Việt Nam, nhưng hiện nay đã được trồng rộng rãi khắp các vùng trung du và đồng bằng.
Thành phần dược liệu của củ gừng
Phương pháp bào chế dược liệu từ gừng
Bộ phận được dùng làm thuốc của cây gừng là phần củ. Củ gừng sau khi thu hoạch được rửa sạch và cất để dùng dần. Phương pháp bào chế dược liệu từ gừng khá phong phú, tùy theo mục đích sử dụng. Có thể dùng làm thuốc khi còn tươi, hoặc cắt lát rồi phơi khô, tán bột, đốt tồn tính,…
Thành phần hóa học
- Trong củ gừng có mùi thơm đặc trưng, chứa 2 đến 3% tinh dầu có thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic (35% b-zingiberen, 17% b-curcumenen, 10% b-farnesene), và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như: borneol, linalool, geraniol.
- Trong củ gừng chứa khoảng 4,2 đến 6,5% nhựa dầu. Trong nhựa dầu chứa khoảng 20 đến 25% tinh dầu và 20 đến 30% là các chất cay (zingerone, gingerol, shogaol,…), trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất.
- Ngoài ra, trong gừng chứa một lượng chất béo rất nhỏ (Khoảng 3%) và một số chất khác.
Tác dụng dược lý
- Shogaol và gingerol làm giảm co thắt cơ trơn ruột cô lập.
- Ức chế histamin và acetylcholin từ đó giảm cơn dị ứng, giảm sốt.
- Cineol có trong gừng có tác dụng diệt khuẩn, từ đó tạo nên công dụng khám viêm, giảm ho,…
Vị thuốc của gừng
Tính chất, mùi vị
- Gừng tươi: có vị cay, tính ấm.
- Gừng khô: Vị cay, tính nóng.
- Gừng đốt tồn tính: Vị cay, tính ấm.
Công dụng
- Theo y học cổ truyền: Gừng tươi có tác dụng với 3 kinh phế, tỳ, vị với công dụng tán hàn ôn trung, giải độc, hành thủy, tiêu đàm… Gừng khô nóng hơn gừng tươi, có tác dụng làm ấm tỳ vị. Gừng đốt tồn tính có công dụng ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng làm lợi tiểu.
- Theo y học hiện đại: Gừng có công dụng kháng khuẩn, giảm ho, giảm viêm, chữa cảm lạnh, phòng ngừa nguy cơ tiểu đường, giảm mỡ trong máu. Gừng làm đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu, giúp máu lưu thông mạnh mẽ hơn, thúc đẩy trao đổi chất, giúp điều chỉnh chức năng tuyến tiền liệt từ đó tăng cường sức khỏe tim mạch, sức khỏe sinh sản, giảm nguy cơ ung thư. Ngoài ra gừng còn có nhiều công dụng khác như: Chống say tàu xe, giảm stress, chống buồn nôn, chữa một số bệnh về đường tiêu hóa,…
Những đối tượng không nên dùng gừng
Gừng khá lành tính và có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, thậm chí có thể sử dụng hằng ngày, nhưng vẫn có một số trường hợp không nên dùng:
- Phụ nữ có thai có thể dùng gừng để làm giảm ốm nghén nhưng không nên sử dụng quá nhiều, sẽ gây nóng trong người.
- Người có cơ địa nóng, thường xuyên đổ mồ hôi, đổ mồ hôi tay chân, mồ hôi trộm.
- Người chuẩn bị phẫu thuật.
- Người vừa phẫu thuật xong, vết thương chưa khỏi hẳn.
- Người bị cảm nắng, sốt cao nhưng không rét.
- Người bị các bệnh về xuất huyết như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, đại tiểu tiện ra máu, ho hoặc nôn ra máu,…
- Người đang sử dụng các thuốc giảm đau không được dùng gừng, hoặc chỉ được dùng cách 4 tiếng (Tối thiểu) sau khi uống thuốc.
Một số bài thuốc với gừng
Trị mất ngủ
Củ gừng trị mất ngủ khá hiệu quả, chỉ cần dùng gừng tươi pha thành trà để uống, cụ thể như sau: Dùng 1 củ gừng tươi rửa sạch, cắt lát và cho vào cối giã nát, sau đó cho thêm 500ml nước ấm cùng một vài hạt muối hoặc 1 thìa đường nâu. Khuấy đều và uống trước khi nước bị nguội.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên sử dụng trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Có thể kết hợp thêm ngâm chân với nước gừng và muối hạt trước khi đi ngủ khoảng 20p để tăng thêm hiệu quả.
Trị rụng tóc hiệu quả với củ gừng
Củ gừng chữa rụng tóc khá hiệu quả do có chứa vitamin B1, B6, chất béo,… cùng với 12 hoạt chất chống oxy hóa, từ đó không chỉ bảo vệ tóc khỏi lão hóa mà còn phục hồi hư tổn. Có nhiều cách làm khác nhau:
Cách 1: Dùng nước cốt rau húng quế trộn với nước gừng, khi tóc còn đang ẩm thì dùng hỗn hợp này thoa lên tóc rồi massage nhẹ để thư giãn trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch với nước.
Cách 2: Nướng qua củ gừng tươi rồi giã nát, lọc lấy nước cốt thoa lên tóc, massage nhẹ khi tóc đang ướt, sau đó rửa sạch. Cách này có thể dùng 2 đến 3 lần một tuần.
Cách 3: Nấu nước gội đầu với gừng, vỏ bưởi, sả để gội đầu một tuần 1-2 lần.
Công thức nấu nước gội đầu này là công thức kinh điển đã được chị em phụ nữ sử dụng từ xa xưa vừa có thể dùng để gội đầu, vừa có thể dùng để xông mặt và hiện nay vẫn được dùng nhiều trong gội đầu dưỡng sinh. Có thể thay vỏ bưởi bằng vài lát chanh, sau đó thêm vài lá chè, lá kinh giới hoặc quả bồ kết để tăng thêm hiệu quả.
Bài thuốc trị ho từ củ gừng
Củ gừng chữa ho rất tốt với nhiều cách làm khác nhau:
Cách 1: Trực tiếp ngậm vài lát gừng tươi cắt mỏng để làm dịu cơn ho và sát khuẩn cổ họng.
Cách 2: Dùng gừng tươi thái lát mỏng rồi ngâm với mật ong thành siro trị ho. Hoặc nấu trà gừng thêm ít mật ong để uống.
Cách 3: Dùng gừng tươi thái lát mỏng, thêm ít đường phèn và hấp cách thủy khoảng 20 phút. Như vậy chúng ta đã có được một loại siro trị ho vừa hiệu quả, an toàn với cả trẻ em và có thể sử dụng nhiều lần trong ngày để làm dịu cổ họng.
Cách 4: Gừng thái lát mỏng đun với 2 cốc nước nhỏ và cho thêm ít lá me cho đến khi còn lại 1 ly thì tắt bếp, thêm một chút nước cốt chanh, đường hoặc mật ong. Uống khi còn ấm để mang lại hiệu quả cao nhất.
Sử dụng củ gừng làm giảm mỡ bụng
Dùng củ gừng làm tan mỡ bụng là phương pháp làm đẹp tại nhà vừa hiệu quả, an toàn vừa tiết kiệm. Cách làm như sau:
Cách 1: Uống nước gừng ấm vào trước mỗi bữa ăn khoảng 15p.
Cách 2: Dùng nước cốt gừng để massage bụng theo hình xoắn ốc từ dưới lên, vừa xoa vừa vỗ và ấn nhẹ khoảng 15p. Nên kiên trì sử dụng đều đặn mỗi tuần 3 đến 4 lần trước khi ăn tối
Cách 3: Gọt bỏ vỏ gừng rồi giã nhuyễn. Trộn gừng với muối hột và cho vào chảo rang cho nóng. Dùng khăn bọc hỗn hợp và massage bụng theo hình vòng tròn cho đến khi nguội hẳn. Kiên trì thực hiện đều đặn 3 đến 4 lần mỗi tuần. Cách này còn được phụ nữ sau khi sinh áp dụng vì nó khá an toàn và mang lại hiệu quả cao.
Củ gừng chữa cảm cúm, ho sốt, nhức đầu, đau mỏi người
Dùng củ gừng ngâm rượu để xoa bóp vào chỗ đau mỏi. Nếu không ngâm lâu mà dùng ngay thì nên giã nát gừng rồi trộn với rượu trắng. Mỗi ngày thực hiện 2 lần. Ngoài ra rượu gừng còn có nhiều công dụng khác như: Trị nôn mửa, hôi nách, làm đẹp da, tan mỡ bụng… Vì vậy, các bạn độc giả nên ngâm sẵn một lọ rượu gừng để dùng vào những trường hợp cần thiết.
Gừng chữa viêm dạ dày
Củ gừng chữa bệnh về dạ dày khá hiệu quả, bao gồm cả viêm dạ dày, viêm tá tràng, đau dạ dày do sử dụng nhiều thuốc tây. Bạn có thể sử dụng trà gừng, trà gừng-chanh-mật ong để làm giảm cơn đau rát thượng vị, hoặc có thể ngâm gừng với dấm để dùng dần, mỗi khi đau thì ngậm 2 đến 4 lát.
Củ gừng chữa triệu chứng phù thũng do viêm thận
Dùng 50g gừng tươi, 200g lá chè xanh, 500g rễ cỏ tranh, 500g bí xanh, 1,5 lít nước. Khi đun sôi được một lúc, gạt lấy nước, đun tiếp cho đến khi còn lại một lít. Cho một con cá quả (Cá lóc) vào nồi đất, đổ nước thuốc vào và đun nhỏ lửa cho đến khi cá nhừ thì thêm 250g đường phèn và 7 củ hành ta đã thái sẵn. Chia canh thuốc thành 3 lần, ăn cả cá và nước trong một ngày.
Tổng kết
Hy vọng những thông tin trên đã giúp các bạn độc giả thân mến nắm rõ được phần nào về công dụng và cách sử dụng củ gừng để chữa bệnh. Đừng quên theo dõi trang web chính thức của Nhà thuốc Apharma để được đọc nhiều bài viết hay về loại dược khác liệu nhé.