Cây húng chanh (hay còn được gọi là rau tần dày lá) là một loại rau thơm thuộc họ Hoa môi, đồng thời là một vị thuốc dân gian có sẵn trong vườn nhà của nhiều hộ gia đình ở Việt Nam với công dụng chữa ho giải cảm tuyệt vời. Hôm nay các bạn độc giả hãy cùng Apharma tìm hiểu về vị thuốc Nam quen thuộc này nhé!
Giới thiệu về cây húng chanh
1. Tên thường gọi
- Tên gọi khác: Rau tần dày, rau tần, rau tần dày lá, rau thơm lông, rau thơm lùn, dương tử ô,…
- Tên khoa học: Plectranthus Amboinicus, hoặc Coleus Amboinicus, trong đó Plectranthus và Coleus là tên chi, Amboinicus là tên loài,
2. Đặc điểm hình dáng
Cây húng chanh là cây thân thảo sống lâu năm. Thân cây cao khoảng 20 đến 50cm, phần thân sát gốc hóa gỗ. Lá húng chanh là lá đơn, mọc đối nhau. Thân lá dày, giòn, mọng nước, hình bầu dục và nhọn dần về phía đầu lá, rìa lá có răng cưa tròn.
Lá húng chanh có màu xanh, cả mặt trên và mặt dưới đều có nhiều lông mịn với những gân lá nổi rõ. Hoa húng chanh khá nhỏ, có màu tím đỏ, mọc thành từng cụm ở đầu cành. Quả của cây nhỏ và tròn, có màu nâu với nhiều lông mịn. Quả húng chanh có mùi thơm như chanh, đồng thời cả thân cây đều thơm như vậy và kèm theo vị chua nên được gọi là húng chanh.
3. Khu vực phân bố của cây húng chanh
Cây húng chanh mọc ở nhiều nơi trên thế giới như Nam Phi, Đông Phi, Tanzania, bắc Kenya,… Ở Việt Nam, húng chanh thường được trồng để làm rau, ngoài ra còn được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian.
4. Phương pháp thu hoạch
Rau húng chanh rất dễ trồng và có thể thu hoạch quanh năm. Sau khi gieo hạt khoảng 20 đến 30 ngày thì dùng dao hoặc kéo cắt và chừa gốc khoảng chừng 5 đến 7cm để cây có thể phát triển tiếp.
Thành phần dược liệu của cây húng chanh
1. Phương pháp chế biến dược liệu từ cây húng chanh
Lá của cây được phơi khô để dùng làm thuốc hoặc dùng khi còn tươi. Khi bảo quản lá tươi nên dùng lá cây khác to hơn bọc lại và bỏ trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Nếu phơi khô thì nên phơi trong bóng râm hoặc sấy với nhiệt độ 45 độ C để dược liệu không bị mất chất.
2. Thành phần hóa học của cây húng chanh
Trong húng chanh có nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe của con người, như: Vitamin A, B, C, acid ascorbic, omega 6,… Trong húng chanh chứa ít tinh dầu (Khoảng 0.05 – 0.12%) nhưng chứa tới khoảng 65,2% là hợp chất phenolic và codeine. Ngoài ra trong húng chanh chứa các chất có khả năng kháng viêm như: Salicylat, thymol, carvacrol, chavicol, eugenol.
3. Tác dụng dược lý
Trong húng chanh chứa phenolic, carvacrol, eugenol, salicylate có tác dụng kháng khuẩn và virus gây hại cho hệ tiêu hóa, hệ hô hấp.
Các hoạt chất này khi đi vào cơ thể sẽ đóng vai trò như một loại kháng sinh mạnh, ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng, vi khuẩn, vi trùng Staphylococcus 209P. Salmonella typhi, liên cầu khuẩn gây viêm họng (streptococcus), nhóm vi khuẩn gây ra bệnh dạ dày ruột, kiết lị (Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shigella sonnei), từ đó đẩy lùi các triệu chứng ho, cảm, viêm phế quản, viêm họng, đau bụng,…
Vị thuốc của cây húng chanh
1. Tính chất mùi vị
Húng chanh có vị the cay, hơi chua, thơm mùi chanh, tính ấm.
2. Công dụng của cây húng chanh
- Theo y học cổ truyền: Phát tán phong hàn, trừ phong, tiêu viêm, hóa thấp, hành khí, thanh nhiệt, trừ đờm, nhuận phổi, tiêu độc….
- Theo y học hiện đại: Chữa các bệnh ho hen, cảm cúm, sốt, đờm, viêm họng, viêm đường tiết niệu, tiêu hóa kém…
Những bài thuốc dân gian từ cây húng chanh
1. Bài thuốc chữa ho, cảm sốt, viêm họng
Lá húng chanh chữa ho, viêm họng rất hiệu quả do có chứa một loại kháng sinh tự nhiên có công dụng sát khuẩn và loại bỏ chất nhầy trong vòm họng.
- Bài thuốc trị ho: Cách làm khá đơn giản, chỉ cần dùng lá húng chanh hấp đường phèn hoặc mật ong rồi lấy nước để uống, còn bã thì có thể ăn hoặc ngậm. Mỗi ngày nên sử dụng một lần, và dùng liên tục cho đến khi không còn ho nữa. Bài thuốc này an toàn với cả phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ.
- Trị ho, viêm họng, khản tiếng: Nhai trực tiếp vài lá húng chanh tươi rồi nuốt lấy nước, hoặc giã nát rồi pha với nước để uống. Mỗi ngày nên thực hiện 2 – 3 lần.
- Chữa viêm họng, viêm thanh quản: Kim ngân hoa, sài đất mỗi thứ 15g, xạ can, cam thảo đất mỗi thứ 12g, thêm 20g tần dày lá, đem sắc lấy nước uống mỗi ngày một lần.
- Chữa cảm cúm, sốt, ho có đờm, nghẹt mũi, nhức đầu do cảm: Dùng 15 – 20g húng chanh đem giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt để uống, có thể thêm vào 12g gừng và hành vừa nấu uống, vừa xông cho ra mồ hôi.
- Chữa sốt cao không ra mồ hôi: Dùng tía tô, cam thảo đất mỗi thứ 15g, 5g gừng tươi cắt mỏng, thêm 20g húng chanh đem nấu nước và uống khi còn ấm cho ra mồ hôi.
- Chữa ho, cảm lạnh, đắng miệng, đau đầu: Dùng 8 lát gừng tươi cắt mỏng, 8g lá chanh, 20g húng quế, 15g húng chanh đem sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
2. Chữa các bệnh ngoài da
- Trị mề đay: Nhai lá húng chanh và nuốt lấy nước, bã đem đắp hoặc chà nhẹ lên vùng da bị mề đay.
- Làm dịu vết bỏng: Giã nát lá tần dày rồi đắp lên vết bỏng sẽ giúp giảm đau rát và có công dụng sát khuẩn.
- Trị côn trùng đốt: Giã lá húng chanh với muối hạt rồi đắp lên vết thương.
- Chữa dị ứng, nổi mề đay: Nấu 15g lá húng chanh khô với 2 bát nước cho đến khi còn lại một bát thì chia đều ra cho 3 lần uống trong một ngày. Đồng thời có thể dùng lá húng chanh giã với muối hạt để đắp lên vùng da đang bị sưng, viêm, nổi mề đay.
3. Chữa một số bệnh khác
- Chữa đau bụng: Nhai vài lá húng chanh tươi với ít muối hạt, ngậm nuốt cả nước và bã dần dần.
- Trị chảy máu cam: Trắc bá sao đen, cam thảo mỗi thứ 15g, hoa hòe sa0 đen 10g, 20g húng chanh, đem tất cả các vị thuốc trên nấu lấy nước để uống mỗi ngày một lần. Đồng thời có thể kết hợp dùng lá húng chanh vò nát rồi nhét vào bên mũi bị chảy máu.
- Trị hen suyễn: 12g lá húng chanh tươi, 10g tía tô, đem sắc lấy nước uống. Khi dùng thuốc nên kiêng các đồ thức ăn nhiều dầu mỡ, hải sản, đồ uống lạnh.
- Bài thuốc giảm đau nhức do kiến, bọ cạp, rết cắn, ong đốt: Giã nhỏ 20g húng chanh với vài hạt muối ăn rồi đắp vào vết đốt, hoặc nhai kỹ nuốt nước rồi lấy bã để đắp.
Một số lưu ý khi sử dụng cây húng chanh
- Trị ho bằng húng chanh là phương pháp an toàn với cả phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ nhỏ, nhưng cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài và đều đặn thì mới có thể mang lại hiệu quả như mong đợi.
- Trong trường hợp dùng các bài thuốc dân gian từ cây húng chanh một thời gian nhưng không có hiệu quả các bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.
- Khi dùng lá húng chanh nên rửa qua với nước muối để đảm bảo vệ sinh.
- Lá húng chanh có nhiều lông, do vậy cần cân nhắc khi dùng lá húng chanh để đắp ngoài da.
Tổng kết
Trên đây là các cách chữa bệnh bằng cây húng chanh mà các bạn độc giả có thể tham khảo và áp dụng tại nhà. Nếu bạn yêu thiên nhiên và muốn sử dụng các loại thảo dược quen thuộc để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, hãy tham khảo thêm các bài thuốc dân gian từ các loại cây khác trên trang web của Apharma.
Tại đây không chỉ có các bài viết hữu ích về thảo dược, thuốc Đông y, Tây y mà còn có thể giúp các bạn mua thuốc online với giá cả hợp lý. Hãy gọi ngay cho chúng tôi để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.