Cây kinh giới là một vị thuốc dân gian quen thuộc của người Việt. Kinh giới khá lành tính, và còn được dùng làm gia vị trong bữa ăn hằng ngày, tuy nhiên, việc sử dụng kinh giới để chữa bệnh như thế nào, cần lưu ý những điều gì thì cũng cần phải tìm hiểu kỹ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Các bạn độc giả hãy cùng Apharma tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ hơn nhé!
Mô tả chi tiết cây kinh giới
1. Tên thường gọi
- Tên gọi khác: Tịnh giới, kinh giới tuệ, giả tô…
- Tên khoa học: Elsholtzia Ciliata, trong đó Elsholtzia là tên chi, Ciliata là tên loài, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae)
2. Đặc điểm hình dáng
Kinh giới là một loại rau thơm thuộc họ Hoa môi, có thân hình vuông, mọc thẳng, chỉ cao khoảng 30 đến 50cm. Lá của cây có hình bầu dục, nhọn ở đầu lá, ở rìa lá có răng cưa, nhưng không sắc nhọn. Toàn thân cây đều có màu xanh, chỉ có hoa là màu tím nhạt và mọc thành chùm bông dài ở đầu cành.
3. Khu vực phân bố
Kinh giới mọc nhiều ở các nước Đông Nam Á và hiện nay đã được du nhập vào các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Loài cây này mọc ở nơi có nhiều nắng, mọc hoang ở khu vực đồi núi, đất hoang, bờ sông suối. Một số nước có rau kinh giới mọc tự nhiên như Ấn Độ, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… Ở Việt Nam, kinh giới được trồng khắp mọi miền đất nước, thường được dùng như một loại rau thơm để ăn sống.
4. Phương pháp thu hoạch
Cây kinh giới được thu hoạch quanh năm. Khi hái có thể hái ngọn để dùng dần, hoặc ngắt cả thân. Nếu không cần dùng đến hoa kinh giới thì nên cắt đi để cây phát triển cành lá. Đối với kinh giới trồng, thì có thể thu hoạch sau 35 đến 40 ngày kể từ khi gieo hạt để đảm bảo cây đã bén rễ sâu vào đất.
Thành phần dược liệu của cây kinh giới
1. Phương pháp bào chế
Cây kinh giới được sao hoặc phơi khô để làm thuốc, hoặc dùng lúc còn tươi.
2. Thành phần hóa học
Trong cây kinh giới chủ yếu chứa tinh dầu thơm. Trong tinh dầu có chứa d-limonen, d-menthol, menthol racemic, carvacrol, thymol… Ngoài ra trong kinh giới còn chứa xơ, canxi, magie, photpho, kali, natri, vitamin C, đường bột, đạm, sắt…
3. Tính chất dược lý
- Theo y học cổ truyền: Khu phong, chỉ ngứa, hạ ứ huyết, phá kết tụ khí, trừ tụ khí, tán hàn, trừ thấp tỳ, giải biểu, tuyên độc thấu chẩn…
- Theo y học hiện đại: Kinh giới làm tăng tuần hoàn ở biểu bì, giúp hạ nhiệt cơ thể, làm rút ngắn thời gian đông máu giúp cầm máu nhanh chóng, làm giãn phế quản, hạ nhiệt nhẹ, đồng thời có tác dụng an thần.
Vị thuốc của cây kinh giới
1. Tính chất mùi vị
Cây kinh giới có vị cay, hơi đắng, tính ấm, không có độc.
2. Công dụng của cây kinh giới
Cây kinh giới từ lâu đã được người Việt truyền tai nhau là vị thuốc quý với phụ nữ nhờ công dụng trị băng huyết, rong kinh, sản hậu, làm giảm cơn đau bụng kinh, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa lão hóa và trị mụn. Trong kinh giới chứa carvacrol và thymol là 2 hợp chất chống oxy hóa cao, từ đó giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện vóc dáng và làn da.
Thymol và carvacrol còn có tính kháng khuẩn, bảo vệ cơ thể khỏi một số loại virus và diệt các ký sinh trùng trong ruột, nên kinh giới không chỉ tốt cho dạ dày mà còn tốt cho cả hệ tiêu hóa, đồng thời làm giảm khả năng bị nhiễm virus. Ngoài ra kinh giới còn có nhiều công dụng khác nhau như: trị cảm, phong hàn, trị chảy máu cam, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, chữa dị ứng… Trong loại rau này chứa kali, giúp kiểm soát nhịp tim và huyết áp, từ đó giúp ngăn ngừa bệnh về tim mạch hiệu quả.
Những bài thuốc dân gian từ cây kinh giới
1. Chữa những bệnh ngoài da
- Chữa trẻ em lên sởi hoặc bị các chứng lở ngứa: Kim ngân và kinh giới mỗi loại 15g đem sắc uống mỗi ngày 3 lần.
- Dùng kinh giới chữa mề đay: Dùng 100g kinh giới giã nát và trộn với 150g rượu trắng, dùng hỗn hợp đắp lên vùng da bị mề đay mỗi ngày 3 lần cho đến khi khỏi hẳn.
- Trị dị ứng, nổi mẩn ngứa ngoài da: 12g lá đơn đỏ, hoa húng quế, hoa kinh giới mỗi loại, đem sắc nước uống.
- Trị lở loét do phong độc: Dùng một nắm lá kinh giới đốt thành tro, lấy 1 củ hành giã nát rồi vắt lấy nước, đem tro kinh giới trộn với nước hành thành hỗn hợp sền sệt rồi đắp lên chỗ bị loét. Trước khi đắp nên làm sạch vết loét với nước cam thảo.
- Điều trị mụn nhọt: Ké đầu ngựa, mã đề, kim ngân, thổ phục, bồ công anh, thổ phục kinh, cam thảo mỗi loại 10, thêm 12g kinh giới nấu với 400ml nước cho đến khi còn 100ml nước. Mỗi ngày uống 2 lần.
- Dùng cây kinh giới trị rôm sảy: Dùng lá kinh giới tươi vắt lấy nước rồi pha với nước tắm để tắm thay nước bình thường.
- Trị ngứa do dị ứng: Sao nóng cả cây kinh giới sau khi đã phơi khô, rồi cho vào khăn mỏng và chà nhẹ lên chỗ bị ngứa, lặp lại nhiều lần cho đến khi khỏi hẳn.
- Dùng cây kinh giới chữa thủy đậu: Dùng 100g lá kinh giới tươi đun với 3 lít nước khoảng 20 đến 30 phút, để nguội rồi tắm, chú ý kỳ cọ nhẹ để nốt thủy đậu không bị vỡ. Bài thuốc này đã có từ lâu đời và mang lại hiệu quả rất cao.
- Trị rôm sảy, mụn nhọt cho trẻ sơ sinh: Dùng cây kinh giới tắm cho trẻ sơ sinh để trị một số bệnh ngoài da là phương pháp được nhiều bà mẹ Việt Nam sử dụng. Vừa giúp trị bệnh, làm sạch da, sát khuẩn, giúp da bé mịn màng, sạch sẽ và có hương thơm nhẹ nhàng. Cách làm cùng khá đơn giản, chỉ cần giã kinh giới tươi lấy nước cốt và pha nước tắm cho bé, khi tắm nên để nhiệt độ phòng là 27 độ C và tránh kì cọ mạnh tay.
2. Chữa cảm và các triệu chứng cảm
- Trị cảm lạnh: Kinh giới, tía tô, ngải cứu, gừng, mã đề, hoắc hương mỗi loại 3g, đem sắc lấy nước để uống.
- Trị cảm lạnh, ban sởi mới phát: Bạc hà và tía tô mỗi thứ 8g, gừng và cam thảo mỗi loại 4g, thêm 12g kinh giới sắc lấy nước uống.
- Trị cảm sốt, đầy bụng, nôn mửa, đau bụng: Bạc hà và hương nhu mỗi loại 8g, cát căn, hoắc hương, tía tô mỗi thứ 12g, hành 4g, thêm 3 lát gừng tươi sắc lấy nước uống.
- Chữa ngoại cảm phong hàn: 50g kinh giới thêm 3 lát gừng tươi giã nát vắt lấy nước cốt để uống, còn lại bã đem gói vào vải sạch đánh và miết dọc theo cột sống.
- Trị cảm cúm, cảm lạnh: Giã nát kinh giới rồi hấp với đường phèn hoặc mật ong, ăn lúc còn nóng sẽ giúp ra mồ hôi làm giảm cảm sốt nhanh chóng đồng thời làm thông mũi, mát họng.
- Trị cảm mạo, phong hàn: Dùng kinh giới và tía tô mỗi thứ 1 nắm đun với 2 bát nước cho đến khi còn lại một bát thì uống ngay lúc thuốc còn ấm. Khi đun phải đậy kỹ để tránh tinh dầu trong kinh giới bị bay đi nhiều. Bài thuốc này sẽ giảm nhanh các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, sưng họng do cảm lạnh.
- Hạ sốt và điều hòa nhiệt độ: Dùng 24g sắn dây, 20g kinh giới sắc lấy nước uống.
- Chữa sổ mũi: Dùng kinh giới và húng quế phối theo tỷ lệ 1:1 rồi dùng mỗi ngày khoảng 50 đến 80g sắc lấy nước uống.
3. Chữa các bệnh liên quan đến xuất huyết
- Điều trị ho ra máu lâu ngày không tự khỏi: Dùng cả thân, lá, rễ cây kinh giới tươi giã vắt lấy nửa bát nước cốt rồi uống chung với bột kinh giới khô.
- Dùng kinh giới để cầm máu: Đem lá kinh giới đã phơi khô tán thành bột rồi nấu khoảng 8g với nước, chia ra mỗi ngày uống 2 đến 3 lần.
- Chữa nôn ra máu, ho ra máu, tiểu ra máu, chảy máu cam: Dùng hoa kinh giới sao đen rồi tán nhỏ cho vào lọ kín, mỗi ngày uống 4 đến 6g cùng với nước ấm.
4. Chữa một số bệnh khác
- Dùng cây kinh giới chữa viêm xoang: Dùng kinh giới khô để pha trà uống, có thể pha thêm một ít mật ong hoặc nước chanh để dễ uống hơn. Mỗi ngày nên uống 3 tách trà kinh giới vào buổi sáng, trưa và tối. Lưu ý không được thêm đường vì đường sẽ làm tăng chất nhầy khiến bệnh trở nặng.
- Điều trị bệnh trĩ: Dùng hoa kinh giới, hoàng bá, ngũ bội tử mỗi thứ 12g thêm 4g phèn phi, đem tất cả nấu cùng với 400ml nước khoảng 15 phút rồi dùng để ngâm rửa hậu môn. Kiên trì thực hiện mỗi ngày một lần cho đến khi khỏi hẳn.
- Điều trị viêm mũi dị ứng: Dùng kinh giới, bạc hà, húng quế mỗi thứ 8g, thêm lá cối và hoa cứt lợn mỗi loại 12g, đem tất cả nguyên liệu sắc nước uống và chia ra làm 2 lần trong một ngày.
Những lưu ý khi dùng cây kinh giới
1. Không dùng kinh giới cho những đối tượng sau:
- Người bị hư tự thường ra mồ hôi, đại tiện lỏng, tỳ yếu.
- Đối với các bệnh ngoài da đã trở nặng hoặc mưng mủ thì không nên dùng kinh giới để thay thế các phương pháp trị bệnh từ y bác sĩ có chuyên môn.
2. Khi dùng kinh giới cũng cần tránh một số loại thực phẩm sau:
- Thịt gà: Kinh giới ăn chung với thịt gà sẽ gây khó tiêu, khó đại tiện, đầy bụng.
- Muối vừng: Dùng chung kinh giới với muối vừng sẽ làm ảnh hưởng đến can phong, gây ra các triệu chứng như ù tai, run rẩy hoặc ngứa ngáy đầu não.
- Thịt lừa: Ăn rau kinh giới với thịt lừa sẽ sinh độc.
- Cá: Ăn cá cùng với kinh giới sẽ gây ngứa.
Tuy kinh giới khá lành tính và được dùng trong bữa ăn hằng ngày nhưng vẫn không nên sử dụng để thay thế hoàn toàn các phương pháp chữa bệnh từ y bác sĩ có chuyên môn khi bệnh trở nên nghiêm trọng, hoặc có khả năng để lại di chứng cao. Nếu bạn muốn tham khảo thêm các phương pháp chữa bệnh từ dược liệu khác, hãy ghé thăm trang web chính thức của Apharma.
Tại đây các bạn độc giả không chỉ có thể đọc những bài viết hữu ích về thuốc mà còn có thể mua thuốc với hình thức online. Apharma – Nhà thuốc phi lợi nhuận với đội ngũ y dược sĩ có chuyên môn cao chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây kinh giới, rất mong bài viết có thể giúp các bạn trong việc chữa bệnh bằng dược liệu của mình. Chúc các bạn sống khỏe!