Viêm da

Bệnh viêm da

Viêm da hay được biết đến tên khoa học là Dermatitis – là bệnh lý thường gặp với biểu hiện rõ ràng là đỏ da, xuất hiện mụn nước, ngứa ngáy, đau rát. Người ta chia bệnh lý viêm da thành nhiều dạng khác nhau với dấu hiệu nhận biết và cách điều trị cụ thể

Những điều bạn chưa biết về bệnh lý viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc (Contact Dermatitis) là nỗi ám ảnh với rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Bệnh lý này vừa gây mất thẩm mỹ, thiếu tự tin khi tiếp xúc với người khác. Bệnh tuy không khó điều trị nhưng lại rất dễ tái phát. Hiểu đúng và đủ về nguồn gốc, nguyên nhân xuất phát bệnh sẽ giúp bạn lựa chọn được phương pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách.

Bệnh viêm da tiếp xúc
Bệnh viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc trực ứng (Irritant contact dermatitis)

Viêm da tiếp xúc trực ứng là một dạng điển hình của bệnh lý viêm da. Bệnh thường xuất hiện ở một nhóm đối tượng cụ thể và gây ra những khó chịu nhất định trong sinh hoạt cũng như cuộc sống. 

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh

Nguyên nhân gây nên bệnh này thường do tiếp xúc thời gian dài với các chất hóa học có nồng độ cao, điển hình như acid hoặc kiềm. Những vùng da dễ bị tấn công nhất thường là vùng mặt, cổ, 2 cẳng tay, cẳng chân hoặc bàn chân. Bệnh khi khởi phát sẽ có dấu hiệu viêm đỏ, sưng nề, những nốt mụn nước xuất hiện dày đặc sau đó có tình trạng sưng loét và đóng vảy.

Viêm da tiếp xúc trực ứng cũng có thể bắt nguồn từ những vết thương do côn trùng cắn. Bệnh lý xuất hiện bằng những đường vệt dài, có khi mọc thành đám ở những vùng da bị hở như mặt, cổ, hai tay. Những mảng này thường đi kèm với mụn nước, có hiện tượng lở loét, sau đó đóng vảy và để lại vết thâm trong thời gian dài. 

Mức độ nghiêm trọng của viêm da rất thay đổi và phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:

  • Lượng và độ mạnh của chất kích thích
  • Tần suất phơi nhiễm (ví dụ: phơi nhiễm nặng trong thời gian ngắn hoặc phơi nhiễm ít lặp lại / kéo dài)
  • Tính nhạy cảm của da (ví dụ dạ dày, mỏng, nhờn, khô, da bị tổn thương trước đó hoặc có khuynh hướng dị ứng từ trước)
  • Các yếu tố môi trường (ví dụ: nhiệt độ hoặc độ ẩm cao hoặc thấp)
Triệu chứng viêm da
Viêm da gây khó chịu và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Hướng dẫn cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân và mùa thu. Để điều trị bệnh cần đến những loại thuốc bôi tại chỗ như hồ nước hoặc mỡ oxide. Kết hợp hững loại kem dưỡng có chứa kháng sinh để tránh bội nhiễm và  một số thuốc chống dị ứng.

Điều cần thiết là bạn phải hạn chế tiếp xúc với những chất dễ kích ứng với da. Thường xuyên mang găng tay để bảo vệ làn da.

Viêm da tiếp xúc dị ứng (Allergic contact dermatitis)

Viêm da tiếp xúc dị ứng là tên gọi để chỉ một dạng bệnh lý viêm da hay còn được gọi là chàm. Cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng dị ứng đối với một loại chất hay đồ dùng nào đó tiếp xúc với da. 

Những đối tượng nào thường dễ bị viêm da tiếp xúc dị ứng

Bệnh lý viêm da dị ứng thường xuất hiện nhiều ở phụ nữ hơn là nam giới. Thường là do dị ứng với niken hoặc những chất có nhiều trong đồ dùng makeup, dưỡng da. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ em, người lớn tuổi. Nhất là đối với những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với kim loại, hóa chất. Điển hình là những nhóm đối tượng như: thợ làm tóc, nhân viên spa, nhân viên chăm sóc sức khỏe, quét dọn, họa sĩ…

Viêm da tiếp xúc dị ứng
Viêm da tiếp xúc dị ứng

Nguyên nhân nào gây nên bệnh lý 

Nguyên nhân đầu tiên có thể gây bệnh bệnh lý viêm da tiếp xúc là do người bệnh quá mẫn cảm với một hay một số hợp chất nào đó. Bệnh có thể xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc hoặc chậm hơn là từ 48 – 72h sau đó.

  • Bệnh nhân tiếp xúc với nhựa thông – nhựa được sản xuất bởi cây thường xuân độc, sồi độc.
  • Do tiếp xúc với các chất tẩy rửa quần áo, đồ dùng, hoặc lông thú cưng. 
  • Ngoài ra cũng có thể do hương liệu có trong các chất làm sạch, dưỡng da, thuốc nhuộm, thuốc uống và một số chất hóa học khác. 

Dấu hiệu giúp bạn sớm nhận biết mình đã là con mồi của viêm da dị ứng

Những triệu chứng đầu tiên của bệnh bao gồm khô rát, đỏ da, rộp da, ngứa ngáy, khó chịu. Vùng da có thể bị rát dữ dội trong vòng 24 đến 36 tiếng sau khi tiếp xúc. Sai đó là xuất hiện những nốt rộp chảy nước kèm theo da đóng vảy và sưng tấy. Bệnh lý không lây cho người khác tuy nhiên bạn cần tuyệt đối không được sờ, gãi để tránh nhiễm trùng. Nếu bệnh bắt nguồn từ nguyên nhân hít hoặc nuốt chất gây kích ứng sẽ cảm thấy buồn nôn, khó thở, hệ hô hấp gặp vấn đề. 

Bạn cần làm gì khi bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng?

Gặp bác sĩ chuyên khoa là lời khuyên đầu tiên chúng tôi gửi đến bạn khi bị viêm da tiếp xúc dị ứng. Họ sẽ kiểm tra mức độ dị ứng của bạn và theo dõi vết ban để chẩn đoán xem bạn nên dùng loại thuốc nào.

Thông thường bạn sẽ được kê một số loại thuốc kháng viêm ở dạng uống hoặc bôi. Thuốc kháng histamin khi có dấu hiệu ngứa ngáy, sưng đỏ nhằm tăng cường miễn dịch và giảm thiểu phản ứng dị ứng. Steroid có thể dùng ở dạng uống hoặc tiêm. Những người ở cấp độ nhẹ sẽ được kê dạng bôi.

Thuốc kháng viêm điều trị viêm da dị ứng
Cần sử dụng thuốc kháng viêm để trị viêm da dị ứng

Trong suốt quá trình điều trị bệnh, bạn tuyệt đối không được gãi hoặc sờ lên vết thương có thể làm lây lan diện tích vùng da nhiễm bệnh. Cần tránh nước trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi bôi thuốc. Làm sạch bằng những loại chất tẩy rửa nhẹ nhàng không hương liệu để tránh gây kích ứng nặng hơn. 

Nỗi ám ảnh mang tên viêm da cơ địa (Atopic dermatitis)

Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tình. Bệnh lý này thường đi kèm với những loại bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt, hay viêm mũi dị ứng. Bệnh thường khởi phát rất sớm, xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh và có thể đeo đuổi cho đến khi bạn trưởng thành.

Làm thế nào để nhận biết bệnh lý viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Điển hình nhất là vùng bàn tay hoặc các nếp gấp tay chân. Khi phát bệnh những triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng, rầm rộ theo từng đợt và thuyên giảm sau một thời gian sẽ tái phát lại. Bệnh không nguy hiểm nhưng lại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ của người bệnh. 

Mỗi lần xuất hiện vùng da nhiễm bệnh sẽ mẩn đỏ và ngứa ngáy rất khó chịu. Mức độ ngứa sẽ tăng lên nhiều hơn vào ban đêm làm người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần vùng da sẽ chuyển dần sang nâu, xám và để lại những mảng da dày như ghẻ. 

Nhận biết viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa

Vì rất ngứa ngáy nên bệnh nhân thường gãi, cào gây ra hiện tượng trầy xước, nhiễm trùng, tổn thương da. Những nốt sưng đầy mủ, phù nề, dịch vàng sẽ tiết ra gây mùi hôi khó chịu. Da người bệnh luôn trong tình trạng khô rát, nứt nẻ.

Những nguyên nhân gây nên bệnh lý viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa có tính di truyền. Nguyên nhân chính gây ra bệnh cho đến ngày nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng có thể làn da quá khô nên dễ gây ra hiện tượng kích ứng. Đi kèm với đó là những rối loạn trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh cũng gây ra mẩn ngứa cho da. Bệnh sẽ khởi phát từ rất sớm và đi kèm với những bệnh lý như hen suyễn, viêm mũi dị ứng. 

Viêm da cơ địa cũng xảy ra bắt nguồn từ môi trường làm việc, chế độ sinh hoạt vệ sinh da. Việc thường xuyên tắm nước quá nóng, tắm qua lâu, sử dụng những chất tẩy rửa mạnh, thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, bài tiết mồ hôi, quần áo vệ sinh không sạch sẽ, tiếp xúc với chó mèo cũng gây nên dị ứng. 

Làm thế nào khi bị viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa không phải là bệnh bạn có thể tự điều trị tại nhà. Với tất cả những nguyên nhân và dấu hiệu chúng tôi vừa để cập thì việc thăm khám tại các chuyên khoa da liễu là thực sự cần thiết. Bạn nên để bác sĩ của mình biết bạn gặp phải tình trạng khó chịu như thế nào, đã dùng những gì và chu kỳ tái phát của bệnh ra sao. 

Chữa viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa gây nhiều phiền toái và khó chịu

Mục đích của việc điều trị viêm da cơ địa là hạn chế và kiểm soát đến mức thấp nhất hiện tượng ngứa ngáy, ngăn chặn những đợt bùng phát kèm theo mụn viêm, phù nề. Nhằm tránh để lại những biến chứng nguy hiểm cho da. Theo đó, một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: 

  • Kem chống ngứa: bôi vào những vùng da xuất hiện triệu chứng, bác sĩ có thể kê thêm kháng sinh histamin đường uống. 
  • Kem dưỡng ẩm: thường được kết hợp để làm dịu cơn khô rát, ngứa ngáy của da. Mang đến một làn da mềm mại và không bị nứt nẻ, bong tróc. 
  • Kem kháng viêm: nhằm hạn chế những cơn viêm tại chỗ. Kiểm soát tình trạng mẩn đỏ, sưng, ngứa ngày. 
  • Kháng sinh: thường sẽ được bác sĩ kê đơn khi da bạn đã có dấu hiệu nhiễm trùng, bội nhiễm. Đồng thời các vết thương đã có hiện tượng chảy dịch vàng, sưng tấy và lan rộng sang những vùng da khác. 

Chế độ phòng ngừa dành cho bệnh nhân bị viêm da cơ địa

  • Hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng những thức ăn dễ gây dị ứng. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn màn, gối đệm và màn cửa. Tránh khói thuốc lạ và môi trường có nhiều bụi bặm.
  • Không nên tắm quá lâu hay sử dụng nước quá nóng. Nên tắm bằng nước máy đã được lọc sạch sẽ và thời gian tắm nên giới hạn từ 15 đến 20p. 
  • Không nên thường xuyên thay đổi nước hoa xà phòng. Không sử dụng những chất có tính tẩy rửa mạnh, nên test nhẹ một vùng da mỏng trước khi dùng để tránh xảy ra hiện tượng kích ứng. 
  • Không cào, cấu, gãi vào những vùng da bị tổn thương. 
  • Mặc đồ thoáng mát và đừng quên chăm sóc da bằng những sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ nhàng tránh để da khô rát, khó chịu. 

Viêm nang lông (Folliculitis)

Viêm nang lông là tên gọi dùng để chỉ tình trạng viêm nông hoặc nhiều nang lông. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên. 

Viêm nang lông
Viêm nang lông

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm nang lông

Viêm nang lông là một trong những nhóm bệnh viêm da mũ. Nguyên nhân chính là do tụ cầu vàng Staphylococcus Aureus. Bình thường vi khuẩn tụ cầu, liên cầu tạp sinh tồn tại hòa bình trên da. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi do vệ sinh không sạch sẽ, sức khỏe suy giảm, do có vết thương hở hoặc rối loạn các chức năng bên trong cơ thể sẽ gây bệnh cùng liên cầu. 

Một số nguyên nhân khác gây ra viêm nang lông có thể bắt nguồn từ việc thường xuyên cạo, wax không không đúng cách. Dưỡng ẩm cho da bằng những loại dưỡng ẩm có quá nhiều hương liệu, chất kích ứng với làn da. 

Triệu chứng của bệnh viêm nang lông

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh thường là những sẩn viêm đỏ có kích thước vài mm. Chúng thường cư trú ở nang lông, có thể xuất hiện những nốt mụn mủ nhỏ. Sau khi vỡ ra chúng xuất hiện thành những điểm trợt màu đỏ, đóng vảy màu nâu sau đó lành lại mà không để lại sẹo. Vị trí tổn thương thường gặp là các vùng nhiều lông và tóc, thường xuyên tiết dầu như râu cằm, ria mép, nách, vùng mu, 2 cẳng chân. 

Viêm nang lông thường được chia thành 2 loại là viêm nang lông nông (Superficial folliculitis) và Viêm nang lông sâu (Deep folliculitis). 

Một số trường hợp ít gặp, viêm nang lông còn có sự tham gia của nhiều chủng vi khuẩn như Pseudomonas aeruginosa hay nấm men Pityrosporum ovale, nấm sợi Microsporum, Trichophyton. Những trường hợp này cần thăm khám tại bác sĩ chuyên khoa để làm những xét nghiệm hợp lý. 

Hướng dẫn phương pháp điều trị và phòng ngừa viêm nang lông

Về điều trị bệnh viêm nang lông có thể dùng thuốc bôi tại chỗ như dung dịch xanh methylen 1%, sử dụng mỡ kháng sinh hoặc các nhóm vitamin B. Nhằm chữa trị và điều hòa các rối loạn bên trong cơ thể, có thể hạn chế sự phát triển của các vi nấm và vi khuẩn gây bệnh. 

Ngoài ra bạn cũng cần vệ sinh da sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày. Giữ cơ thể thông thoáng, sạch sẽ. Tuyệt đối không được chà sát mạch lên vùng da bị bệnh đồng thời thăm khám và chữa các rối loạn bệnh toàn thân. 

Viêm da từ lâu đã là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Nó không chỉ gây nên việc mất thẩm mỹ và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bệnh viêm da không thể tự ý điều trị tại nhà khi đã xuất hiện những triệu chứng nặng. Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế để được tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra một chế độ sinh hoạt và chăm sóc da phù hợp cũng là cách để bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả. 

Trên đây là thông tin về bệnh viêm da mà Nhà thuốc Apharma tổng hợp được. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết, hi vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.

5/5 - (9 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *