Củ Năng là loại thực phẩm quen thuộc trong thực đơn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, loại củ này cũng được xem là một loại dược liệu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Để biết thêm công dụng của Củ Năng, hãy cùng Apharma tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Củ Năng là gì?
Củ năng không chỉ được biết đến như loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của gia đình Việt mà còn là một loại dược liệu với những công dụng dược lý như thanh nhiệt, giải độc, ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, kháng khuẩn, v.v.
- Tên gọi Tiếng Việt khác: Mã thầy, Củ năn, Năng ca, Bột tề, Địa lật, Địa lê, Ô vu, Thông thiện thảo, Hắc sơn lang, Thủy vu, Hồng tử cô.
- Dược liệu này thuộc họ Cói – Cyperaceae, có tên khoa học là Heleocharis plantaginea R.Br
Mô tả đặc điểm của Củ Năng
Đặc điểm nhận biết Củ Năng
Cây của Củ Năng hay cây Mã Thầy là loài cây thân thảo, thường cao khoảng 15 đến 60cm, thân chia thành nhiều đốt, có các khía dọc. Thân màu xanh xám, nhẵn khô, không có lá. Lá cây của Mã thầy không phát triển vì thế được thay thế bởi các bẹ hình trụ nhỏ.
Củ Năng mọc chìm ở dưới nước, củ to, vỏ ngoài màu tím đen, ruột bên trong màu trắng. Củ hơi dẹt, có hình dáng giống hạt dẻ hoặc quả trứng, cùn ở đỉnh đầu tại vị trí tiếp xúc với rễ. Củ năng ăn giòn, có vị ngọt.
Mùa ra hoa, loại dược liệu này chỉ cho mỗi cây một hoa nhỏ, có màu nâu vàng, mọc ở ngọn.
Khu vực sinh trưởng – phân bố cây Củ Năng
Cây củ năng được thường mọc ở những vị trí trũng thấp. Tại nước ta, cây củ năng được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là ở những vùng núi có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Ngoài ra, loài thực vật này cũng được tìm thấy tại nhiều địa phương ở miền Nam, nhiều nhất là các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ phận được sử dụng làm dược liệu tốt của cây Mã Thầy – Củ Năng
Đối với cây Củ Năng, người ta thường sử dụng và sơ chế phần củ để làm thực phẩm hoặc bào chế dược liệu để chữa nhiều loại bệnh.
Phương pháp thu hái, sơ chế, bảo quản Củ Năng
Sau khi trồng được một năm, người ta sẽ tiến hành thu hoạch củ năng. Củ năng trưởng thành và có thể thu hoạch được là khi mặt đất ở phía dưới gốc cây chuyển vàng.
Củ Năng có thể sử dụng tươi mà không cần sơ chế hoặc bảo quản. Tuy nhiên, để thành phẩm đạt tiêu chuẩn và sử dụng được lâu dài thì cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh các vị trí ẩm thấp.
Thời hạn sử dụng của Củ Năng kể từ khi sơ chế
- Sau khi tiến hành sơ chế bằng cách rửa sạch, để nguyên vỏ, Củ Năng có thể bảo quản được trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần trong nhiệt độ của ngăn mát tủ lạnh.
- Với các thành phẩm đã được gọt vỏ thì dùng được trong 2 đến 3 ngày.
- Nếu bảo quản trong điều kiện giữ đông tốt, củ năng có thể giữ được chất lượng trong vài tháng
Cách phân biệt thành phẩm tốt
Củ năng thu hoạch đạt chuẩn là các loại củ to, tươi, vỏ ngoài căng bóng, không úng nước hay bị sâu thối.
Mùa thu hoạch Củ Năng trong năm
Người ta thường thu hoạch củ năng vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.
Thành phần có trong Củ Năng
Củ Năng có chứa rất nhiều thành phần bổ dưỡng cho cơ thể. Trong Củ Năng có chứa 68,52% là nước, 18,75% tinh bột cùng các loại khoáng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể như protein, lipid, magie, đồng sắt, kali, photpho, vitamin A, B1, B2, v.v.
Phương pháp bào chế và sử dụng Củ Năng
Người ta thường sử dụng Củ Năng tươi để chế biến các món ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt hoặc nấu chè, ép lấy nước uống. Bên cạnh đó, Củ Năng còn được tán thành bột để sử dụng trong một số bài thuốc Đông Y.
Vị thuốc của Củ Năng
Tính chất – Mùi vị
Củ Năng có vị ngọt, tính hàn.Trong các bài thuốc cổ truyền, Củ Năng được sử dụng với tác dụng ích khí, tiết thực, an trung, khai vị, giảm thiểu tình trạng tỳ vị hư hàn.
Liều lượng sử dụng an toàn
Nếu sử dụng củ Mã Thầy dưới dạng thuốc sắc thì nên tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo là 10 – 20g/ngày.
Độc tính khi sử dụng quá nhiều Củ Năng
Củ Năng là thực phẩm, dược liệu lành tính, không có độc tính. Tuy nhiên, người dùng vẫn không nên quá lạm dụng và hãy tham khảo ý kiến của thầy thuốc khi sử dụng loại dược liệu này để chữa bệnh.
Công dụng của Củ Năng đối với sức khỏe con người
Sở hữu nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, Củ Năng là một loại dược liệu với những tác dụng thần kỳ đối với cơ thể của chúng ta. Một số tác dụng nổi bật của Củ Năng có thể kể đến như:
- Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan.
- Giải rượu, giải nhiệt, ngăn chặn hiện tượng nóng bụng, khó chịu khi uống rượu.
- Phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch nhờ chứa nhiều axit béo tốt cho tim mạch như linoleic acid.
- Cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa, tốt cho đường ruột.
- Có khả năng kháng khuẩn, ức chế quá trình hoạt động của virus, vi khuẩn nhờ tác dụng của các chất chống oxy hóa như polyphenol, flavonoid.
- Giúp tăng cảm giác ngon miệng, nhất là đối với những người cao tuổi.
- Tăng cường sức khỏe cho hệ cơ và hệ thần kinh.
- Bổ sung thêm nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin B6, B2, B1, v.v.
- Giúp tóc óng mượt, mềm mại từ bên trong, kích thích mọc tóc.
Kiêng kỵ và bí quyết sử dụng Củ Năng hiệu quả
- Củ Năng là loại củ phát triển ở dưới đất hoặc những vùng có nhiều bùn lầy nên rất dễ bị nhiễm bẩn hoặc các loại ký sinh trùng. Vậy nên, khi sử dụng Củ Năng, bạn hãy sơ chế và rửa thật kỹ càng, gọt sạch lớp vỏ ngoài và phần cuống để tránh nhiễm vi khuẩn, vi trùng.
- Để chọn được Củ Năng ngon thì bạn nên lựa những củ chắc thịt, không bị mềm, tươi, không bị úng.
- Không nên sử dụng củ năng cho những người có thể trạng tính hàn như sợ lạnh, lạnh chân, lạnh tay, đi ngoài phân lỏng, khó tiêu, v.v.
Các bài thuốc dân gian quý từ Củ Năng
Bài thuốc chữa đau bụng, khó tiêu từ củ năng
Nguyên liệu: Củ năng, dạ dày lợn.
Cách thực hiện:
- Củ năng, dạ dày lợn tiến hành sơ chế sạch sẽ.
- Cho củ năng nhồi vào dạ dày lợn rồi đem đun chín kỹ. Sau đó, cho người bệnh sử dụng cả nước và cái.
Bài thuốc trị ho, long đờm từ củ năng
Nguyên liệu: 500g nước ép củ năng (lấy nước, bỏ bã), 50g mật ong, 10g màng trong mề gà, 10g tỏi.
Cách thực hiện:
- Màng mề gà rửa sạch, sao vàng rồi đem tán thành bột mịn.
- Đun sôi các vị thuốc trên với lượng nước vừa đủ.
- Dùng ngày 2 lần, 2 thìa cà phê/lần cho đến khi hết triệu chứng ho.
Bài thuốc trị tiểu rắt, tiểu buốt, khó tiểu tiện
Nguyên liệu: 250g củ năng, 30g rễ cỏ tranh.
Cách thực hiện: Đem nấu kỹ các nguyên liệu trên rồi dùng để uống.
Bài thuốc từ củ năng giúp trị táo bón, bệnh trĩ
Nguyên liệu: 150g củ năng, 30g mộc nhĩ khô.
Cách thực hiện:
- Sơ chế và rửa sạch kĩ củ năng, mộc nhĩ thái miếng rồi đem ngâm nước.
- Cho dầu và chảo đến khi nóng gài thì bỏ mộc nhĩ, củ năng vào xào, nêm thêm gia vị vừa ăn và nấu đến khi nước sôi sền sệt là được.
Bài thuốc từ củ năng chữa cao huyết áp
Nguyên liệu: 100g củ năng, 100g chanh tươi.
Cách thực hiện:
- Củ năng đem sơ chế, rửa sạch rồi thái miếng, còn chanh tươi gọt bớt lớp vỏ xanh, bổ đôi quả.
- Đem sắc các nguyên liệu đã chuẩn bị với 1 lít nước để uống.
Chế độ vận động kết hợp trong quá trình sử dụng dược liệu
Khi sử dụng củ năng để chữa bệnh hay bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, nếu bạn kết hợp thêm cùng với chế độ vận động thì hiệu quả sẽ càng cao. Vận động sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, khiến cho cơ thể dễ dàng hơn trong việc hấp thụ các dưỡng chất.
Ngoài ra, củ năng cũng giúp giảm cân và là thực phẩm tốt cho người ăn kiêng. Vì thế, khi kết hợp cùng với luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày sẽ giúp bạn nhanh chóng có một vóc dáng khỏe đẹp, dẻo dai.
Khi nào nên sử dụng Củ Năng?
Bạn có thể chế biến củ năng thành những món ăn ngon trong bữa cơm của gia đình. Tuy nhiên cần ăn với lượng hợp lý, không nên ăn quá nhiều, có thể sẽ gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bà bầu cũng có thể sử dụng củ năng. Ăn củ năng khi mang thai sẽ giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Bạn có thể dễ dàng tìm mua củ năng tại các chợ dân sinh hay ở các siêu thị. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, bạn nên chọn mua củ năng ở những địa chỉ uy tín, chất lượng.
Đến đây là chúng ta đã có thể nắm được hầu hết các thông tin cần thiết về dược liệu Củ Năng. Mong rằng bài viết này của nhà thuốc Apharma đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích. Ngoài ra, nếu bạn cũng tham khảo thêm các loại dược liệu khác có công dụng tương tự tại nhà thuốc trực tuyến của công ty cổ phần dược phẩm Apharma.